Trụ sở Đảng uỷ - HĐND – UBND xã Ea Yông
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ EA YÔNG: Chia làm 4 giai đoạn.
1. GIAI ĐOẠN 1: (từ 30/4/1975 trở về trước)
Là một xã miền núi ở Tây Nguyên có bề dày truyền thống lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ năm 1975 trở về trước Ea Yông là một xã thuộc quận lỵ Phước An, có địa bàn khá rộng, toàn xã có 03 buôn, 01 đồn điền CAĐA và 03 tiểu đồn điền trồng cà phê của tư nhân. Thời kỳ này bộ máy hành chính thuộc chính quyền Mỹ – Nguỵ. Đa số là đồng bào dân tộc tại chỗ Êđê và M’nông, dân số khoảng gần 550 hộ, kinh tế tự cung tự cấp, sống du canh, du cư, rất cực khổ.
2. GIAI ĐOẠN 2: ( từ ngày 30/4/1975 đến 4/1977)
Sau ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến tháng 8 năm 1975 thành lập chính quyền quân quản gồm có 12 buôn, dân số khoảng 4000 người, cũng chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê và M’nông và một số hộ người Kinh, người Hoa.
* Địa giới hành chính :
- Phía Đông giáp Thuận Hiếu II ( nay là xã Hòa Tiến).
- Phía Tây giáp xã Ea Knuêc.
- Phiá Bắc giáp Buôn Hồ.
- Phía Nam giáp buôn Dang Cang và núi Cư Wi, huyện Krông Ana.
Vừa mới thành lập, chính quyền còn non trẻ, diện tích rộng, dân cư thưa thớt, bọn phản động Phun rô chống phá quyết liệt, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, chỉ có một trường cấp I và 01 trường cấp II, trụ sở đặt tại xã Hòa Tiến bây giờ.
Đến tháng 8/1976 bầu chính quyền, thành lập xã, trụ sở đặt tại buôn Ea Yông A. Lúc này chỉ còn lại 04 buôn: buôn Ea Yông A, buôn Ea Yông B, buôn Pan và buôn Jung, dân số còn lại khoảng 2500 người, do chuyển 8 buôn trở về buôn cũ vùng hậu cứ Krông Bông.
Cuối năm 1976 thực hiện chủ trương của Đảng, thành lập tập đoàn sản xuất, đi vào làm ăn tập thể. Tháng 3/1977 giải tán tập đoàn sản xuất, thành lập HTX nông nghiệp, khai hoang, xây dựng các cánh đồng lúa nước, thực hiện định canh, định cư và bắt đầu phân định ranh giới giữa xã Ea Yông, xã Hòa Tiến, xã Cư Bao, xã Ea Knuêc. Diện tích tự nhiên 6500 ha. Đời sống nhân dân vẫn còn rất khó khăn và thiếu thốn, nhưng được sống trong bầu không khí hoà bình, ổn định. Lực lượng dân quân xã cùng với huyện đội tổ chức truy quét bọn Phun Rô, xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, ngã xuống vì sự bình yên của buôn làng.
3. GIAI ĐOẠN 3: ( từ 1977 đến 1999)
Tháng 1/1977 một số cán bộ công nhân của nông trường Đông Hiếu ( Nghệ An) vào thành lập nông trường cà phê Phước An, dưới sự điều động của Bộ Nông Nghiệp, tiếp quản đồn điền CAĐA và 3 đồn điền tư nhân bị bỏ lại, đưa một số bà con đồng bào ÊĐê ở buôn Jung vào làm công nhân, thành lập đội sản xuất buôn Jung. Thực hiện 02 nhiệm vụ cơ bản là củng cố tổ chức sản xuất và chiến đấu bảo vệ an ninh tổ quốc.
Từ năm 1983 – 1986 một số hộ đồng bào dân tộc tày, nùng ở các tỉnh phía bắc vào làm ăn sinh sống trên địa bàn xã, thành lập mới thêm 03 thôn. Dân số toàn xã lúc này khoảng 6500 người, nền văn hóa đã đa dạng và phong phú hơn, phong trào thi đua lao động sản xuất được đẩy mạnh, bên cạnh việc canh tác cây lúa rẫy truyền thống thì nay bà con cũng đã biết trồng và chăm sóc cây lúa nước, cà phê, hồ tiêu … cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng, tạo điều kiện cho việc đi lại và trao đổi hàng hóa được thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.
Năm 1989, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, xã đã chia tách diện tích tự nhiên và dân số một phần của buôn Ea Yông A và thôn Tân Hiệp về thị trấn Phước An và thành lập thêm thôn mới là thôn Tân Lập, nâng tổng số thôn, buôn trong toàn xã lên 8 thôn, buôn.
Năm 1993 đia giới hành chính xã Ea Yông theo chỉ thị 364 CT- TTG của Thủ tướng chính phủ, với diện tích là 5750 ha, dân số khoảng hơn 11.000 người.
Tháng 6/1996 theo quyết định của UBND tỉnh ĐăkLăk, nông trường cà phê Phước An chính thức chuyển đổi thành công ty cà phê Phước An, công ty đã xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, đường điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt văn hóa và nhu cầu học tập của con em công nhân, bộ mặt của xã ngày càng khang trang hơn.
Đến năm 1998, thực hiện chủ trương của tỉnh công ty cà phê Phước An bàn giao quản lý hành chính về cho xã, từ đó dân số của xã tăng lên 15.900 khẩu, diện tích tự nhiên 5750 ha gồm có 15 thôn, buôn.
4. GIAI ĐOẠN 4: ( từ 1999 đến nay)
Thời kỳ này bộ máy hành chính của xã đã hoàn chỉnh, về địa giới hành chính:
- Phía Đông giáp thị trấn Phước An.
- Phía Tây giáp xã Êa Kênh.
- Phiá Bắc giáp xã Cư Bao huyện Krông Buk.
- Phía Nam giáp xã Hòa Tiến và núi Cư Wi huyện Krông Ana.
Tháng 6/2008, theo quyết định của UBND tỉnh ĐăkLăk, buôn Ea Yông B cũ tách thành 02 buôn là buôn Ea Yông B, buôn GahMah và 01 thôn là thôn Ea Wi; buôn Jung cũ tách thành 02 buôn là buôn Jung và buôn Jung II, nâng tổng số thôn, buôn của toàn xã lên 18 thôn, buôn, với 6 buôn, 3 thôn tày nùng và 9 thôn người kinh. Dân số hiện nay là 3611 hộ, với 18200 khẩu, gồm có 05 dân tộc chính là : Kinh, Ê đê, Tày, Nùng, Gia rai cùng làm ăn sinh sống, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.
Đến tháng 11/2021 sáp nhập 02 thôn Phước Thịnh và Lạng Sơn thành thôn Lạng Sơn, còn lại 20 thôn buôn.
Địa bàn xã có 20 thôn, buôn, trong đó có 08 buôn đồng bào dân tộc tại chổ, 04 thôn dân tộc Tày - Nùng, 8 thôn người Kinh. Dân số 17.744 người thuộc 4.032hộ gia đình, trong đó nữ 8.836 người; đồng bào dân tộc thiểu số 9.558 người thuộc 1.892 hộ gia đình, chiếm 47% dân số toàn xã.
Xã có đầy đủ hệ thống chính trị, có 22 cán bộ công chức, có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên phù hợp với chức danh đảm nhiệm.
Trên địa bàn xã có Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, 02 trường THCS ( Ea Yông và Nguyễn Văn Trỗi), 03 trường TH ( Nguyễn Văn Trỗi, Nơ Trang Lơng, Cù Chính Lan), 02 trường Mẫu giáo ( Hoa Cúc và Hoa Pơ Lang).